Nhịp tiếng võng đưa
Đêm dài nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về…
(Bàng Bá Lân)
Ngày nhỏ, tôi mê nằm võng.
Nhà tôi xưa, một ngôi nhà ba gian hai chái, lắm cột kèo nên có rất nhiều nơi cột võng. Mùa đông võng cột trong nhà tránh mưa nhưng mùa hè thì võng tha hồ được dời đi mọi ngả. Thường là đầu chái, mái hiên; đôi khi còn được dời luôn ra vườn cho mát. Không phải những chiếc võng nilon hay vải dù thời hiện đại, võng “truyền thống” ngày xưa bện sợi gai đan hình mắt lưới; mới mua trắng ngà màu sợi nhưng nằm lâu sẽ ngấm mồ hôi dần xỉn đen. Không sao, với những chiếc võng gai, võng cũ bao giờ nằm cũng thích hơn võng mới bởi không còn mùi hôi của sợi cũng như da không bị ngứa do đám “lông sợi” còn chơm chởm chưa kịp rụng, mòn. Tôi sợ mùi hôi cùng cảm giác ngứa ngáy ấy lắm, vậy nên kí ức của tôi về những chiếc võng luôn gắn liền với cái ao ước “ngược đời”: mong chiếc võng mẹ mua cũ thật nhanh; càng nhanh càng tốt…
Không riêng tôi, cả nhà gần như ai cũng thích nằm võng. Cha đi làm đồng thì thôi, hễ về tới nhà là mắc võng ra hiên đung đưa, phì phèo thuốc lá. Buổi trưa cha cũng toòng teng nghỉ trưa trên võng, chỉ đến đêm mới chịu vào giường. Anh em tôi thì khỏi nói, có cơ hội là đứa phi lên võng đứa dưới ra sức cầm vụt (đưa mạnh tay) tít mù. Nghịch ngợm hơn, đợi cha mẹ vắng nhà là cả đám 3, 4 đứa… chen nhau chất dồn lên võng (kiểu như đi xe đạp chở ba, chở tư) mà nhún nhảy khiến cái võng vừa nặng nề lắc lư vừa cót két cót ka. May, những cái võng gai xưa tuy xấu xí mặc lòng nhưng mà chắc lắm, nếu không, chắc thể nào cũng có đứa té trẹo chân tay hoặc u đầu!
Chuyện thích nằm võng, bảo “gần như” là do tôi trừ mẹ. Mẹ không thích võng do hay chóng mặt bởi võng đu đưa. Vậy nhưng không hiểu sao mẹ vẫn rất nhiệt tình chăm lo đến cái võng. Võng này rách, mẹ mua ngay võng khác; còn tìm chỗ cột, hậm hụi “gia cố” 2 đầu võng treo cho chắc chắn phòng lũ con nghịch phá gây tai nạn đứt võng. Sau này có võng nilon nhỏ gọn hơn, mẹ lại tìm thuê thợ mộc đóng cái giá mắc võng để cha muốn nằm đâu rinh đi đó cho tiện. Bình thường mẹ không bao giờ nằm võng, nhưng khi có em bé lại khác. Con nít đa phần ưa được bồng, ru trên võng. Tôi lớn lên còn kịp chứng kiến mẹ đẻ và nuôi con em gái út. Nó èo uột khó nuôi, lúc nhỏ ru không võng là dứt khoát không chịu ngủ. Vậy là hầu như đêm nào mẹ cũng phải cùng em đu đưa trên võng. Nằm võng mất ngủ, sáng ra mặt mẹ hốc hác, mắt thâm quầng…
Kí ức về chiếc võng gắn bó gần như máu thịt với tuổi thơ tôi. Võng vừa là nơi ngủ nghỉ mà cũng là chốn để… chơi. Chán nằm võng trong nhà, chúng tôi lại xin mẹ cái võng cũ mang ra vườn cột dưới bóng cây. Vậy là xem như có “chốn riêng tư” tuyệt vời để ngủ trưa, đọc sách hay đơn giản chỉ là nằm ngắm lũ chim sâu lích rích chuyền cành. Tuổi thơ cứ thế êm đềm trôi qua, đồng hành cùng lời ru của mẹ, nhịp võng của cha. Kẽo kẹt trưa hè. Kẽo kẹt đêm trăng. Kẽo kẹt bồng bềnh, đưa đẩy những lời ru. Chông chênh, nhưng vô cùng đằm thắm như vòng tay ôm của mẹ. Cái vòng tay mà những đứa con sẽ không bao giờ quên được dẫu cho có lang bạt, nổi chìm qua bao dâu bể cuộc đời…
Y Nguyên
(Huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 490